Khi nói đến nguyên nhân gây béo phì, có một câu hỏi thường được đặt
ra: Béo phì có phải do di truyền không? Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu
liệu gen có thể ảnh hưởng như thế nào đến cân nặng và khả năng mắc
bệnh béo phì. Chúng ta cũng sẽ xem xét một số kết quả nghiên cứu chứng
minh mối liên hệ giữa di truyền và béo phì.
Như chúng tôi đã đề cập ở đây, không thể xác định được lý do cụ thể
khiến một người tăng cân và dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, chúng ta biết
rằng di truyền là một trong những nguyên nhân có thể gây ra béo phì.
Các nghiên cứu được tiến hành về mối quan hệ giữa di truyền và béo phì
cho thấy gen ảnh hưởng đến:
- Lượng đồ ăn nạp vào trong một bữa ăn, cách đáp ứng khi bạn cảm
thấy no.
- Sự ưa thích với một số loại thực phẩm nhất
định.
- Năng lượng để thực hiện các chức năng cơ bản của cơ thể
(chẳng hạn như hít thở hoặc lưu thông máu).
- Vị trí mỡ tích
trữ calo dư thừa trong cơ thể
Giống như gen có thể quy định màu mắt của mỗi người, gen cũng có thể
ảnh hướng đến khả năng bị tăng cân béo phì của chúng ta.
Gen đóng vai trò quan trọng, là trung tâm trong bệnh béo phì. Nhưng
nếu gen và béo phì có liên quan chặt chẽ với nhau, thì tại sao dường
như ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi béo phì? Cách đây một
trăm năm có rất ít người mắc bệnh béo phì - vậy béo phì có thực sự do
di truyền?
Bộ gen của chúng ta không thay đổi nhiều trong hàng trăm năm. Trên
thực tế, chúng không thực sự thay đổi trong 50.000 năm qua. Điều đã
thay đổi là môi trường sống của con người.
Như nhà di truyền học Francis Collins đã nói, “Di truyền lên đạn
cho súng và môi trường bóp cò”. Điều đó có nghĩa là yếu tố di truyền
và yếu tố môi trường có thể không tác động riêng lẻ mà tương tác với
nhau để tạo ra kết quả.
Hiện nay chúng ta đang sống trong một môi trường khác so với tổ
tiên hàng trăm năm trước. Chúng ta sống chung với nhiều căng thẳng,
thức ăn và công nghệ khác nhau. Thế giới hiện đại tương tác với bộ
gen của chúng ta và đây là một phần nguyên nhân của béo phì.
Giáo sư Joseph Proietto, một nhà nghiên cứu đồng thời là bác sĩ
lâm sàng chuyên về bệnh béo phì đã giải thích về di truyền và bệnh
béo phì bằng cách yêu cầu chúng ta liên tưởng tới hai cái chậu.
Chúng có kích cỡ khác nhau: một chậu chứa được 5 lít nước, chậu còn
lại chứa được 50 lít nước. Đặt hai chậu dưới mưa qua đêm, và đến
sáng cả hai chậu đều đầy nước.
Khi nhìn vào hai chiếc chậu này, bạn có thể thấy chậu lớn chứa
được nhiều nước hơn chậu nhỏ. Giáo sư Proietto giải thích rằng điều
này là do chiếc chậu lớn hơn được làm để chứa được nhiều nước hơn.
“Nói cách khác, bạn cần cả yếu tố di truyền (cách tạo ra cái chậu)
và môi trường (mưa) để phát triển bệnh béo phì”.
Một số manh mối đầu tiên về mối liên hệ giữa di truyền và béo phì đến
từ các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan. Năm 1952, họ tiến hành một
nghiên cứu với 81 cặp sinh đôi, trong đó họ ghi nhận số đo của các cặp
song sinh theo nhiều cách, bao gồm chiều dài bàn chân, chiều dài cẳng
tay và thậm chí cả chiều cao mũi.
Các phép đo gợi ý cho các nhà nghiên cứu về khả năng những điểm khác
nhau này được thừa hưởng từ cha mẹ. Những đặc điểm này được gọi là khả
năng di truyền. Trong những thông số mà các nhà nghiên cứu đánh giá,
họ phát hiện ra rằng trọng lượng cơ thể và vòng eo là những đặc điểm
có tỷ lệ di truyền cao nhất. Nhiều nghiên cứu so sánh các cặp song
sinh đã được thực hiện kể từ đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng
dù họ được nuôi cùng nhau hay tách rời, các cặp song sinh cùng trứng
đều có cân nặng tương tự nhau.
Điều này cho thấy rằng môi trường và lối sống không phải là những
yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể của bạn. Thay vào đó,
gen có vai trò rất lớn trong việc xác định cân nặng của chúng ta.
Những phát hiện này cung cấp bằng chứng không thể chối cãi rằng di
truyền và béo phì có liên quan chặt chẽ với nhau. Một số bằng chứng
cho thấy béo phì đóng góp từ 40% đến 70% do di truyền. Điều này có
nghĩa là: Bộ gen bạn thừa hưởng từ cha mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc
bệnh béo phì.
Càng hiểu rõ về di truyền và béo phì, bạn càng có nhiều thông tin hơn
khi đưa ra quyết định về việc quản lý cân nặng của mình. Ví dụ: bạn có
thể biết rõ hơn về các tác nhân khác nhau trong môi trường có thể
khiến bạn ăn nhiều hơn hoặc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
Cũng cần lưu ý rằng do các yếu tố di truyền và béo phì khác biệt
giữa mỗi cá nhân, mỗi người có thể đáp ứng khác nhau với các cách điều
trị. Các chiến lược và phương pháp điều trị có thể hiệu quả với người
này nhưng chưa chắc hiệu quả với người khác. Đó là lý do tại sao mỗi
người cần có cách tiếp cận riêng để quản lý cân nặng.