Go to the page content
CHUYÊN GIA HỖ TRỢ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĂN KIÊNG VÀ BÀI TẬP

CÁCH LỰA CHỌN CHẾ ĐỘ ĂN KHOA HỌC - HIỆU QUẢ TRONG ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ

BS. CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

5 min. read
HIỆU QUẢ TRONG ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ

Béo phì là tình trạng dư thừa mỡ cục bộ hay toàn thân, gây ra nhiều hậu quả đến sức khỏe. Béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới ở cả trẻ em và người trưởng thành. Mục tiêu chính của giảm béo là giảm mỡ thừa. Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ… Điều trị béo phì cần phối hợp các giải pháp: Dinh dưỡng là phương pháp ưu tiên; vận động thể lực hàng ngày; thay đổi lối sống và dùng thuốc khi có chỉ định.

Dinh dưỡng là phương pháp trọng tâm để đạt được hiệu quả trong điều trị béo phì. Dưới đây là những điều cần biết về việc lựa chọn chế độ ăn đã được khoa học chứng minh là hiệu quả trong điều trị béo phì - cùng với ba lời khuyên khi bạn khởi động kế hoạch điều trị béo phì cho chính mình

Lựa chọn chế độ ăn uống khoa học để điều trị béo phì

Lựa chọn chế độ ăn uống khoa học để điều trị béo phì

Hiện nay có nhiều chế độ ăn kiêng, nhưng thông qua kết quả của các nghiên cứu cho thấy hầu hết các chế độ ăn này chưa hợp lý về mặt khoa học. Nếu bạn muốn chuyển sang những cách ăn uống lành mạnh hơn trong quá trình điều trị béo phì, chế độ ăn kiêng bạn chọn nên dựa trên cơ sở khoa học hơn là những chế độ ăn kiêng được quảng cáo có hiệu quả thần kỳ.

Cần có sự tư vấn, trao đổi kỹ với bác sĩ về chế độ ăn uống nào là tốt nhất cho việc điều trị béo phì của mỗi người. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng dựa trên bệnh sử cũng như nhu cầu cá nhân bạn.

Chế độ ăn tốt nhất để điều trị béo phì là gì?

Lựa chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp không chỉ có hiệu quả trong điều trị béo phì mà còn có nhiều lợi ích trong cải thiện sức khỏe như giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi bắt đầu thực hiện chế độ ăn điều trị béo phì, bạn nên tập trung vào việc thay đổi cách ăn uống của cá nhân, chất lượng thức ăn và sự tương tác của cơ thể với thực phẩm.

Sau đây là những chế độ ăn đã được khoa học chứng minh có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng bên cạnh những lợi ích sức khỏe khác. Những chế độ ăn này tập trung vào việc nâng cao sức khỏe và kiểm soát cân nặng, không chỉ là hạn chế loại và lượng thực phẩm ăn vào.

Chế độ ăn Địa Trung Hải

Một chế độ ăn phổ biến trong điều trị béo phì là chế độ ăn Địa Trung Hải. Chế độ ăn này có đặc điểm là ăn nhiều trái cây, rau, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng tương đối nhiều chất béo nhưng sử dụng chủ yếu là dầu ô liu nguyên chất. Khuyến khích ăn cá, ăn ít thịt gia cầm như thịt gà và các sản phẩm từ sữa. Thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt cừu chỉ ăn với số lượng ít.

Chế độ ăn Địa Trung Hải đã được nhiều nhiên cứu khoa học chứng minh là làm giảm lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là khi bạn giảm lượng thực phẩm, hạn chế ăn cùng với tăng cường hoạt động thể lực. Chế độ ăn Địa Trung Hải còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, rối loạn mỡ máu.

Chế độ ăn giàu chất xơ

Một phương pháp hiệu quả khác để kiểm soát cân nặng là ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Theo nhiều nghiên cứu, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt có thể hạn chế tình trạng tăng cân và béo phì. Ngược lại, ăn nhiều ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, thịt, đồ ăn thức uống có nhiều đường, kể cả các món tráng miệng ngọt ngào dù “nho nhỏ”, sẽ thúc đẩy tăng cân và tăng kích thước vòng eo của bạn.

Các nghiên cứu cho thấy ngũ cốc nguyên hạt có thể tốt cho cân nặng và chỉ số BMI của bạn. Các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám làm giảm cơn đói và cảm giác thèm ăn, đồng thời tăng cảm giác no so với thực phẩm từ ngũ cốc tinh chế.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến như

  • Yến mạch (oats)
  • Gạo lứt
  • Lúa mạch đen (rye)
  • Kiều mạch (buckwheat)
  • Hạt Quinoa
  • Kê (millet)

Việc chọn lựa thực phẩm để bổ sung thêm chất xơ khá đơn giản. Hãy ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn bằng cách ăn bánh mì lúa mạch đen hoặc lúa mì nguyên cám, thay vì ăn bánh mì trắng; ăn cơm gạo lứt thay vì ăn gạo trắng; trộn thêm quinoa, yến mạch khi làm các loại bánh.

Ăn chay

Theo nhiều quan sát cho thấy chế độ ăn chay có tác động đáng kể đến việc giảm cân so với không ăn chay. Do chế độ ăn chay có xu hướng sử dụng dùng nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả nên cân nặng được kiểm soát tốt hơn ở chế độ ăn thuần chay, không tiêu thụ các sản phẩm động vật như trứng, sữa.

*Còn một số chế độ ăn khác với các bằng chứng khoa học liên quan như chế độ ăn Low Carbs, Keto, nhịn ăn gián đoạn…sẽ được cập nhật trong các bài báo sau. Kính mời quý độc giả đón đọc!

Điều trị béo phì bằng thực phẩm nào tốt nhất?

Không một loại thực phẩm nào có thể dùng để điều trị béo phì, nhưng biết chọn lựa và sử dụng thực phẩm sẽ giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn khi thực hiện chế độ dinh dưỡng để giảm cân. Khi bắt đầu thay đổi chế độ ăn, thật sự sẽ có nhiều khó khăn như khi bạn bắt đầu leo núi, nhưng hãy tập trung để đạt tới thành công!

Thực phẩm tốt cho kiểm soát cân nặng

  • Rau
  • Trái cây
  • Đậu đỗ
  • Các loại hạt
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Dầu ô liu nguyên chất

  Thực phẩm cần hạn chế khi điều trị béo phì

  • Ngũ cốc tinh chế
  • Bánh, kẹo
  • Đồ uống có đường
  • Thịt
  • Thực phẩm chế biến sẵn

Làm thế nào để bắt đầu một cách ăn uống lành mạnh hơn?

Làm thế nào để bắt đầu một cách ăn uống lành mạnh hơn?

Nếu bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu để thực hiện chế độ dinh dưỡng điều trị béo phì, hãy thực hiện theo ba mẹo sau đây để giúp bạn dễ dàng đạt mục tiêu.

#1 Lên kế hoạch cho bữa ăn của bạn

Lập kế hoạch bữa ăn là một công cụ quan trọng để điều trị béo phì. Khi lên kế hoạch trước cho bữa ăn, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống của mình hơn trong thời gian dài.

Lập kế hoạch cho bữa ăn có thể giúp bạn bổ sung nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây vào chế độ ăn uống của mình. Nó còn giúp bạn quyết định trước những gì mình sẽ ăn, tiết kiệm tiền và mua sắm hiệu quả hơn.

Lên kế hoạch cho bữa ăn còn giảm bớt căng thẳng từ việckhông chủ động giờ ăn. Ăn đúng giờ cũng là giải pháp hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

#2 Ghi nhật ký ăn uống

Nghiên cứu cho thấy rằng việc theo dõi những gì đã ăn có tác động tích cực đến việc giảm cân. Viết nhật ký ăn uống là một phương pháp tự giám sát đơn giản để thực hiện.

Hãy thử viết nhật ký để theo dõi những đồ ăn thức uống ăn hàng ngày, thời gian ăn và cảm giác của bạn khi ăn. Bạn cũng nên ghi lại nơi ăn, người cùng ăn…

Nhật ký ăn uống giúp bạn hiểu rõ hơn về chế độ ăn hàng ngày và ảnh hưởng của chế độ ăn với cân nặng; giúp đánh giá khẩu phần ăn và mô hình ăn uống của cá nhân, từ đó có phương án cải thiện chế độ ăn, ví dụ như ăn nhiều rau hơn, nhiều trái cây ít năng lượng hơn, ăn ngũ cốc nguyên hạt thay cho thực phẩm từ ngũ cốc tinh chế để giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.

#3 Uống nhiều nước hơn

Cũng có một số bằng chứng cho thấy uống nhiều nước có thể giúp điều trị béo phì tốt hơn cùng với áp dụng các chế độ dinh dưỡng điều trị béo phì nêu trên.

Chỉ uống nước lọc (nước tự nhiên), đặc biệt hiệu quả hơn khi bạn không uống đồ uống có nhiều năng lượng. Một sự thay đổi đơn giản trong điều trị béo phì của bạn là chuyển nước ngọt, soda thành nước lọc!

Làm thế nào để lựa chọn thực phẩm tốt hơn?

Khi thực hiện thay đổi chế độ ăn uống trong kế hoạch điều trị béo phì, điều quan trọng là phải tìm ra chế độ ăn phù hợp với bản thân, trong đó nhấn mạnh đến lối sống. Các chế độ dinh dưỡng đã được khoa học chứng minh để điều trị béo phì mà chúng ta đề cập trên đây chỉ hiệu quả nếu duy trì lâu dài.

Hãy thực hiện những thay đổi đơn giản trong cách ăn uống và lên kế hoạch cho bữa ăn; tập luyện thể dục hàng ngày để có kết quả tốt nhất.

Cần gặp gỡ và tư vấn với bác sĩ, cán bộ y tế chuyên quản lý bệnh béo phì để được trợ giúp thêm về việc thay đổi chế độ ăn uống lâu dài.

Tài liệu tham khảo:
  • Obesity Canada. Medical Nutritional Therapy. https://obesitycanada.ca/guidelines/nutrition/ [Accessed June 2024].
  • Estruch R & Ros E. The role of the Mediterranean diet on weight loss and obesity-related diseases. Reviews in Endocrine and Metabolic Disorders 2020; 21:315–327.
  • Esposito K et al. Mediterranean Diet and Weight Loss: Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Metabolic Syndrome and Related Disorders 2011; 9(1).
  • Fogelholm M et al. Dietary macronutrients and food consumption as determinants of long-term weight change in adult populations: a systematic literature review. Food & Nutrition Research 2012; 56(1).
  • Sanders LM et al. Effects of Whole Grain Intake, Compared with Refined Grain, on Appetite and Energy Intake: A Systematic Review and Meta-Analysis. Advances in Nutrition 2021; 30;12(4):1177-1195.
  • Kristensen M et al. Wholegrain vs. refined wheat bread and pasta. Effect on postprandial glycemia, appetite, and subsequent ad libitum energy intake in young healthy adults. Appetite 2010; 54(1):163-169.
  • Huang R et al. Vegetarian Diets and Weight Reduction: a Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Journal of General Internal Medicine 2016; 31:109–116.
  • Hu FB & Malik VS. Sugar-sweetened beverages and risk of obesity and type 2 diabetes: Epidemiologic evidence. Physiology & Behaviour 2010; 100(1):47-54.
  • Monteiro, CA et al. Household availability of ultra-processed foods and obesity in nineteen European countries. Public Health Nutrition 2017; 21(1):18-26.
  • Abbot JM & Byrd-Bredbenner C. A Tool for Facilitating Meal Planning. Journal of Nutrition Education and Behaviour 2010; 42(1):66-68.
  • Ramage S et al. Healthy strategies for successful weight loss and weight maintenance: a systematic review. Applied Physiology, Nutrition and Metabolism Video Series 2013; 1(3):1-20.
  • Burke LE, Wang J, Sevick MA. Self-Monitoring in Weight Loss: A Systematic Review of the Literature. Journal of the American Dietetic Association 2011; 111(1):92-102.
  • Muckelbauer R. Association between water consumption and body weight outcomes: a systematic review. The American Journal of Clinical Nutrition 2013; 98(2):282-299.
  • Bracamontes-Castelo B, Bacardí-Gascón M, Jiménez Cruz A. Effect of water consumption on weight loss: a systematic review. Nutricion Hospitalaria 2019; 26;36(6):1424-1429.

VN24OB00007

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĂN KIÊNG VÀ BÀI TẬP

Tìm nhưng đơn vị y tế tại địa phương hỗ trợ về kiểm soát cân nặng

Hãy tham khảo chuyên gia y tế về các cách điều trị có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng

Đánh giá thông tin trên

Bạn cũng có thể quan tâm