Béo phì là chủ đề thường xuyên được thảo luận và còn nhiều tranh cãi
trên các diễn đàn sức khỏe, kinh tế và cả cộng đồng. Đã và đang có rất
nhiều báo cáo khoa học không chỉ thuần túy về béo phì mà còn về mối
liên quan của béo phì với các yếu tố kinh tế xã hội khác. Quá nhiều
bài viết về thừa cân béo phì trên mạng xã hội, trong đó rất nhiều
thông tin chưa được kiểm chứng khiến cộng đồng lúng túng, khó tiếp cận
chủ động trong công cuộc phòng chống thừa cân béo phì một cách hiệu
quả và toàn diện.
Với hơn 38% dân số thế giới (khoảng 2,6 tỷ người – năm 2020) đang
phải đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì, thật dễ hiểu khi thế
giới đang coi thừa cân béo phì là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21!
Béo phì là gì
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ quá mức toàn thân hoặc cục bộ gây
nhiều hậu quả với sức khỏe. Thừa cân béo phì có thể xảy ra với bất kỳ
ai, có sự khác biệt theo giới tính, lứa tuổi, tình trạng kinh tế, xã
hội và yếu tố chủng tộc. Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do
chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực, một số ít trường
hợp do rối loạn nội tiết, di truyền và do dùng một số thuốc gây tăng
cân kéo dài.
Béo phì là là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau như tăng huyết áp,
bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái
hóa khớp, gan nhiễm mỡ, nhiều bệnh ung thư, hội chứng ngưng thở lúc
ngủ, rối loạn cảm xúc…Béo phì ngoài có tác động bất lợi lên tất cả
các vấn đề sức khỏe, còn làm giảm chất lượng sống, giảm thời gian
sống khỏe, giảm tuổi thọ, gây vô sinh, hạn chế cơ hội nghề nghiệp,
giảm thu nhập…
Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm: người có thói quen
dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, ăn ít
rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, người sống tĩnh tại, tuổi trung
niên, phụ nữ sau khi sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì,
dân cư đô thị, nhân viên văn phòng...
Chi phí điều trị y tế cho béo phì là rất lớn. Mỗi năm có 2,8 triệu
người chết vì hậu quả của thừa cân béo phì. Tại Mỹ, chi phí y tế cho
các bệnh liên quan đến béo phì gần 190 tỉ USD mỗi năm, chiếm tới 1/5
tổng mức chi cho dịch vụ y tế của nước này.
Béo phì trên thế giới
Trên phạm vi toàn cầu, “cỗ máy” béo phì vẫn gia tăng với tốc độ phi
mã, số người béo phì đã nhiều hơn người suy dinh dưỡng. Tử vong do
thừa cân béo phì cũng đã nhiều hơn do suy dinh dưỡng. Tình trạng thừa
cân béo phì ngày càng gia tăng và trẻ hóa trên toàn thế giới, đặc biệt
tại các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam trong hơn 10 năm trở
lại đây.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số người bị béo phì đã tăng gần gấp ba
lần kể từ năm 1975. Hiện đã có hơn 2,6 tỷ người trưởng thành thừa cân
béo phì - trong đó 39% thừa cân, 13% béo phì.
Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới và Liên đoàn Béo phì Thế
giới, có khoảng 51% tương đương với 4 tỷ người trưởng thành sẽ sống
chung với thừa cân béo phì vào năm 2035 và tác động kinh tế toàn cầu
của tình trạng thừa cân và béo phì lên tới 4,32 nghìn tỷ USD nếu các
biện pháp phòng ngừa và điều trị không được cải thiện. Số trẻ em bị
béo phì sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035 so với năm 2020. Tỷ lệ trẻ trai
béo phì sẽ tăng 100% lên khoảng hơn 208 triệu, trong khi có 175 triệu
trẻ gái bị béo phì tăng 125%. Những hậu quả tổng thể của béo phì về
sức khỏe thể chất có thể sẽ vượt lên hàng đầu trong gánh nặng sức khỏe
toàn cầu vào thời
điểm này.
Béo phì tại Việt Nam
Từng được coi là vấn đề của các quốc gia có thu nhập cao, thừa cân
béo phì hiện đang gia tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung
bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia công bố năm 2020, tỷ
lệ thừa cân béo phì gia tăng rất nhanh từ khoảng 10,5% năm 2010 lên
đến 21% ở người trưởng thành vào năm 2021. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành lên tới 37%, giám sát dinh
dưỡng tại các thành phố lớn khác cho thấy tình trạng thừa cân béo phì
người trưởng thành khoảng 30%.
Một nghiên cứu khác về bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng ở nước ta
trong thời gian từ 1975 – 2015, cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở
người trưởng thành là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đến 15% vào năm
2015, tỷ lệ này ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so
với 11,2%). Điều đáng lo ngại hơn là khi phân tích kết quả các giám
sát dinh dưỡng cho thấy tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng
trẻ hóa và béo phì mức độ nặng ngày càng gia tăng. Theo tính toán của
Liên đoàn Béo phì Thế giới, gánh nặng y tế của thừa cân béo phì tại
Việt Nam lên đến 469 triệu USD vào năm 2025 và 1,4% GDP.
Béo phì và trẻ em – tương lai của chúng ta
Vào năm 2020 ước tính có hơn 39 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân béo
phì. Trẻ em và trẻ vị thành niên từ 5-19 tuổi có hơn 340 triệu bị thừa
cân béo phì và còn đang tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở
trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 5-19 đã tăng đáng kể từ chỉ
4% năm 1975 lên hơn 18% vào năm 2016. Sự gia tăng này xảy ra tương tự
ở cả trẻ trai và trẻ gái: 18% trẻ gái và 19 tuổi % trẻ trai bị thừa cân.
Theo Tổ chức Nghiên cứu béo phì Thế giới năm 2023, béo phì đang tăng
nhanh ở trẻ em hơn người lớn; các nước thu nhập thấp đang phải đối mặt
với sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ béo phì. Có 9 trong số 10 các quốc
gia có tỷ lệ béo phì tăng cao nhất trên toàn cầu là các nước có thu
nhập thấp hoặc trung bình thấp, tất cả đều đến từ Châu Á hoặc Châu Phi.
Ở Châu Phi, số trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân đã tăng gần 24% kể từ năm
2000. Gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì sống
ở châu Á. Đến nay tốc độ gia tăng thừa cân béo phì, số người bị thừa
cân béo phì sống tại các nước đang phát triển đã vượt xa các nước phát triển.
Tại Việt Nam, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) đã tăng
hơn gấp hai lần chỉ sau 10 năm: từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm
2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông
thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em
tuổi học đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng từ 18,6% năm 2009 lên
41,4% năm 2014 và 44% năm 2022.
Góc nhìn của các chuyên gia y tế
Trước “mối đe dọa” to lớn từ thừa cân béo phì, Tổ chức Y tế thế giới,
các chuyên gia y tế trên toàn cầu đều khuyến cáo mỗi người cần chủ
động kiểm soát cân nặng thông qua duy trì lối sống lành mạnh, dinh
dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, thực hành các phương pháp
giảm cân khoa học để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Liên đoàn Béo phì Thế giới kêu gọi các kế hoạch hành động quốc gia
toàn diện để phòng ngừa và điều trị béo phì. Các chuyên gia nghiên cứu
về béo phì đã đưa ra những quan điểm về béo phì đáng chú ý:
- Béo phì cần được coi là bệnh mạn tính và cần can thiệp điều
trị lâu dài với sự phối hợp nhân lực có chuyên môn sâu về dinh
dưỡng, nội khoa, ngoại khoa và tâm lý.
- Can thiệp dự phòng
thừa cân béo phì ở mức độ cộng đồng là thay đổi lối sống, ở mức độ
cá nhân là tiếp cận cá thể hóa.
- Cần có những sáng tạo mới
trong chiến lược phòng ngừa và điều trị béo phì và phải có thay đổi
tương thích ở các khu vực, quốc gia khác nhau.