Duy trì cân nặng đã giảm được trong thời gian dài là thách thức chính
trong việc kiểm soát béo phì. Trên thực tế, 80% số cân đã giảm sẽ quay
trở lại nếu chỉ áp dụng chế độ ăn kiêng.
Vậy tại sao việc giảm cân và duy trì cân nặng lại khó đến vậy?
Tiến sĩ Arya Sharma (Giáo sư danh dự về Y học & Cựu Chủ tịch về
Nghiên cứu và Quản lý Béo phì tại Đại học Alberta), đã mời Tiến sĩ
David Macklin (Giám đốc Y tế của Chương trình Quản lý Cân nặng tại
Phòng khám Medcan Toronto ), cùng tham gia chia sẻ một số quan điểm
về chủ đề này trên blog của ông: “Những lưu ý về bệnh béo phì của
Tiến sĩ Arya Sharma.”
Tại đây, Tiến sĩ Macklin chia sẻ 7 yếu tố lớn nhất góp phần khiến
cân nặng tăng trở lại và đưa ra quan điểm về việc quản lý cân nặng lâu
dài thực tế sẽ như thế nào.
1. SINH HỌC
“Nguyên nhân chính khiến cân nặng tăng trở lại là do yếu tố sinh
học. Bộ não chống lại việc giảm cân nhờ cơ chế điều chỉnh được thừa
hưởng qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm. Tổ tiên của chúng ta giảm
cân không phải là để có cơ thể đẹp hơn mà là do bệnh tật hoặc do nguồn
cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Nói một cách đơn giản, chống lại việc
giảm cân chính là một cơ chế để đảm bảo sinh tồn cho con người.
30 năm qua, chúng ta đã khám phá ra cách bộ não chống lại sự giảm
cân như thế nào. Não bộ là chuyên gia trong việc 1) nhận biết quá
trình giảm mỡ, 2) chống lại quá trình giảm mỡ và 3) thúc đẩy tăng cân
trở lại. Nó thực hiện điều này bằng cách:
a) Tăng cảm giác thèm ăn
b) Giảm quá trình trao đổi chất
Trong quá trình tái tăng cân, sự tăng cảm giác thèm ăn có vẻ phức
tạp hơn giảm quá trình trao đổi chất. Thèm ăn nhiều hơn làm tăng lượng
calo nạp vào, từ đó dẫn đến tăng cân.
Hãy nhớ rằng những nguyên nhân tăng cân còn lại đều hoạt động thông
qua cơ chế chính sinh học.”
2. ĂN KIÊNG
“Lý do phổ biến tiếp theo khiến cân nặng tăng trở lại liên quan đến
chế độ ăn kiêng. Lưu ý rằng, để giữ cân nặng đã giảm thì ăn kiêng
không phải là phương pháp hiệu quả. Thay vào đó, ba biện pháp khác để
ngăn ngừa tăng cân là liệu pháp hành vi, dùng thuốc và phẫu thuật. Nói
một cách đơn giản, nếu chỉ phụ thuộc vào “ăn kiêng”, bạn sẽ có nguy cơ
tái tăng cân lớn hơn. Đặc biệt việc giảm cân sẽ không bền vững nếu:
a) Chỉ chú trọng vào lượng calo nạp vào.
b) cách giảm cân chưa hợp lý và không duy trì được sự cố gắng.
c) nỗ lực giảm cân không phù hợp với sở thích ăn uống, giao
tiếp xã hội và di chuyển.
Yếu tố quan trọng nhất để ngăn tăng cân trở lại là việc tuân thủ
phương pháp giảm cân. Các đặc điểm nêu trên có thể dẫn đến sự tuân thủ
kém. Họ cũng nhận định rằng đối với những người giảm cân quá nhiều,
thấp hơn mức cân nặng sinh học lý tưởng thì việc giảm cân cũng không
bền vững.
Như vậy, chúng ta có định nghĩa về cân nặng lý tưởng của một người,
đạt được bằng cách điều chỉnh lối sống sao cho 1) chế độ ăn có mức
calo phù hợp, hình thành thói quen lành mạnh, 2) cố gắng kiểm soát cân
nặng vừa sức và bền vững, 3) cân đối giữa việc giảm cân và niềm vui
ăn uống, giao tiếp xã hội, lịch trình di chuyển. Cân nặng lý tưởng là
cân nặng mà bạn đạt được một cách nhẹ nhàng, khi cam kết thực hiện một
lối sống bền vững theo định nghĩa trên.
3. THAY ĐỔI VỀ MÔI TRƯỜNG SỐNG
“Một lý do khá khó hiểu khác là sự thay đổi lâu dài trong môi trường
sống của một người. Một ví dụ phổ biến hiện nay là một người đã từng
làm việc tại văn phòng chuyển sang làm tại nhà, hoặc ngược lại. Một ví
dụ khác, một người cố gắng tránh môi trường có nguy cơ tăng cân cao
nhưng giờ phải quay lại những môi trường này (nhà hàng hay những lần
gặp gỡ, giao lưu). Môi trường sống và xã hội của con người kích hoạt
phản ứng sinh học, làm tăng cảm giác thèm ăn – ham muốn – động lực ăn
uống trong tiềm thức. Nếu các yếu tố này thay đổi theo hướng khiến
chúng ta ăn nhiều hơn trong vô thức, cân nặng nhiều khả năng sẽ tăng
trở lại.”
4. NGỪNG HOẶC TUÂN THỦ KÉM VỚI LIỆU PHÁP THAY ĐỔI LỐI SỐNG VÀ THUỐC ĐIỀU
TRỊ BÉO PHÌ
“Nếu ngừng điều trị, thừa cân béo phì có thể quay trở lại. Liệu pháp
hành vi đã được chứng minh bởi khoa học: khi được theo đuổi lâu dài,
nó sẽ có khả năng giúp chúng ta chống lại tình trạng tái tăng cân.
Thuốc điều trị béo phì hoạt động bằng cách can thiệp vào cơ chế sinh
học của con người. Thuốc giúp làm dịu đi sự thèm ăn và làm giảm ham
muốn trong tiềm thức về việc ăn nhiều hơn, nạp thêm calo. Nếu ngừng sử
dụng thuốc điều trị béo phì hoặc tuân thủ kém, khả năng chống lại cơ
chế tái tăng cân sẽ không còn và bản năng sinh học sẽ thúc đẩy cơ thể
lấy lại cân nặng ban đầu.”
5. MẤT ĐỘNG LỰC GIẢM CÂN SAU THẤT BẠI
“Một lý do quan trọng khác của tái tăng cân là do phản ứng của chúng
ta khi gặp thất bại trong quá trình giảm cân. Những thất bại thường
gặp trong quá trình giảm cân bao gồm: 1) hậu quả của việc ăn uống
không hợp lý và 2) kiểm tra cân nặng và nhìn thấy nỗ lực lâu nay của
mình chưa đạt được như kỳ vọng. Nếu không nhận được hỗ trợ tâm lý,
những thất bại này thường có thể kéo theo suy nghĩ tiêu cực về bản
thân và những cảm xúc chán nản, bao gồm cả mất động lực. Tuy nhiên,
khi một người đã giảm cân, họ dễ bị sinh lý cơ thể tác động, thúc đẩy
họ ăn nhiều hơn, sau đó tăng cân trở lại. Nhận diện và giải quyết
những phản ứng sinh học này là một bước quan trọng để hiểu và ngăn
ngừa tình trạng tái tăng cân. Đây có lẽ là vấn đề sinh học chưa được
đánh giá đúng trong quá trình giảm cân.”
6. THUỐC GÂY TĂNG CÂN
“Tăng cân có thể là tác dụng phụ nghiêm trọng của nhiều loại thuốc.
Một số thuốc thường gây tăng cân và có sự khác biệt đáng kể về đáp ứng
thuốc giữa người này và người khác. Tái tăng cân có thể do việc dùng
một số thuốc nên hãy tham vấn bác sĩ để có loại thuốc thay thế phù hợp khác.
7. SỰ ĐIỀU HÒA CỦA CƠ THỂ
“Hầu hết chúng ta đều nhận thấy rằng stress, mệt mỏi, thiếu ngủ, tâm
trạng chán nản và ít vận động có thể thúc đẩy tăng cân trở lại. Đối
với nhiều người, đặc biệt là khi đã giảm cân, các yếu tố này có thể
làm tăng ham muốn, động lực ăn uống và giảm khả năng kiềm chế bản
thân. Nếu bạn đang gặp tình trạng tái tăng cân hãy xem xét kỹ các yếu
tố đã nêu trên để xác định nguyên nhân chính, sự thay đổi của bất kỳ
yếu tố nào trong số này đều có thể dẫn đến ăn nhiều hơn và làm tăng
cân trở lại.”
Tiến sĩ Macklin bổ sung thêm một lưu ý quan trọng: “Mặc dù đáp ứng
sinh học là lý do chính, quan trọng và phổ biến nhất khiến cân nặng
tăng trở lại, nhưng những lý do khác có thể khiến quá trình giảm cân
trở nên rất phức tạp”.
Giảm cân cải thiện sức khỏe của bạn như thế nào?
Xem việc giảm 13% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ phát
triển một số biến chứng liên quan đến béo phì như thế nào.
Tính toán rủi ro của bạn.
Về Tiến sĩ Macklin:
David A. Macklin, MD, là giảng viên tại Đại học Toronto và là bác
sĩ gia đình được đào tạo tại Đại học Toronto. Ông đã hành nghề y học
chống béo phì từ năm 2004. Ông là Giám đốc Y tế của Chương trình
Quản lý Cân nặng tại Phòng khám Medcan Toronto và là đồng tác giả
của Nghiên cứu HÀNH ĐỘNG Canada và Chương Điều trị Tâm lý và Hành vi
của Hướng dẫn Thực hành Lâm sàng Canada năm 2020 để điều trị béo phì
ở người lớn.
Về Tiến sĩ Sharma:
Tiến sĩ Arya M. Sharma, MD, DSc (hon), FRCPC, là Giáo sư danh dự về
Y học & Cựu Chủ tịch về Nghiên cứu và Quản lý Béo phì tại Đại
học Alberta, Edmonton, Canada. Ông cũng là Đồng Chủ tịch Lâm sàng
trước đây của Chương trình Béo phì Dịch vụ Y tế Alberta. Ông là tác
giả và đồng tác giả của hơn 500 bài báo khoa học và đã giảng dạy
rộng rãi về nguyên nhân và cách quản lý bệnh béo phì cũng như các
rối loạn tim mạch liên quan. Bác sĩ Sharma thường xuyên được giới
thiệu là chuyên gia y tế trên truyền hình, báo chí trong nước và
quốc tế, đồng thời đang là chủ nhân của một blog về béo phì được
nhiều người đọc tại www.drsharma.ca.